Trích dẫn từ Bài báo trên tuổi trẻ online:
Tai nạn thương tâm: Ba trẻ em chết đuối trong hố công trình nhưng vẫn chưa cắm biển báo an toàn!
Chiều 27-5, tại công trình chỉnh trị sông Quán
Trường (thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang, Khánh Hòa), nơi xảy
ra vụ “Ba học sinh chết đuối trong hố thi công” (Tuổi Trẻ 27-5), vẫn
chưa hề có biển báo hay căng dây.
Nơi ba học sinh chết đuối nằm trong công trình thi công, đến chiều 27-5 vẫn chưa cắm biển cảnh báo nguy hiểm - Ảnh: VĂN KỲ
“Khi nước chảy vào buổi chiều rất khó phân biệt khu vực
nước sâu và nước cạn. Đáng lưu ý, đoạn nguy hiểm nằm sát nhà dân nhưng
đơn vị thi công từ khi đào hố sâu này vào năm ngoái đến nay vẫn không có
biện pháp cảnh báo nào” - anh Nguyễn Hữu Cường, người có nhà gần nơi
xảy ra tai nạn, nói.
Ông Lê Đạt, ông ngoại em Đoàn Thị Thanh Thúy (một trong
ba học sinh chết đuối), cho rằng: “Những đơn vị thực hiện công trình
này phải có trách nhiệm lo hậu sự cho người xấu số và phải chấn chỉnh
tình trạng hố sâu tràn lan gần khu dân cư mà không hề có biển báo”.
Ông Huỳnh Hòa - giám đốc Ban quản lý dự án các công
trình giao thông và thủy lợi Khánh Hòa, chủ đầu tư dự án - cho biết nơi
ba học sinh chết đuối thuộc phần thi công của nhà thầu là Công ty TNHH
Nam Thắng. Đoạn này thực hiện vào tháng 11-2012 và tạm dừng đến nay vì
chưa giải phóng được mặt bằng.
Ông Huỳnh Hòa cho rằng đơn vị thi công có thiếu sót khi
không thể cắm biển báo hết những nơi nguy hiểm và khi biển báo bị nước
cuốn trôi đã không kịp thời cắm lại. Theo ông Hòa, toàn tuyến công trình
dài hơn 6km, ở những nơi đào ống cống hoặc hố sâu nguy hiểm đều có quy
định phải cắm biển cảnh báo. Mỗi lần họp giao ban đều nhắc đơn vị thi
công phải cắm biển báo ở những nơi nguy hiểm và thường xuyên kiểm tra.
“Sự việc đáng tiếc xảy ra rồi. Bây giờ mà nói lỗi thuộc về ai thì vô bờ
lắm, nên trước mắt tôi đã chỉ đạo đơn vị thi công hỗ trợ tạm thời mỗi
gia đình bị nạn 10 triệu đồng để lo mai táng rồi sẽ tính tiếp” - ông Hòa
phân bua.
Trong khi đó ông Đỗ Văn Luyện - giám đốc Công ty TNHH
Nam Thắng - cho biết khu vực xảy ra tai nạn trước đây đều có cắm cọc,
căng dây cảnh báo nhưng nhiều lần bị nước cuốn trôi. Do đơn vị thi công
trên tuyến dài, thường xuyên phải di chuyển nên công tác kiểm tra và
khắc phục chưa được thường xuyên. Ông Luyện cam kết sắp tới sẽ cho kiểm
tra lại việc cắm biển cảnh báo trên toàn tuyến thi công.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn
luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho biết trước mắt vụ này có thể xem xét theo
điều 627 Bộ luật dân sự quy định “bồi thường thiệt hại do nhà cửa và
công trình khác gây ra”. Theo ông Hà, đại diện hợp pháp của người bị hại
có thể yêu cầu đơn vị thi công công trình hoặc ban quản lý dự án phải
bồi thường thiệt hại. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì người đại
diện quyền hợp pháp cho người bị hại có thể khởi kiện ra tòa dân sự,
thời hạn khởi kiện là hai năm kể từ ngày xảy ra vụ việc. Khi đưa ra tòa
dân sự, có thể căn cứ theo điều 610 để yêu cầu phía gây ra hậu quả bồi
thường.
Đồng thời, theo luật sư Hà, vụ việc này có dấu hiệu
hình sự. “Công an nên mở cuộc điều tra xem trách nhiệm thuộc về ai. Nếu
có đầy đủ chứng cứ vụ án hình sự thì phải khởi tố”.
Chết vì không lắp đặt biển báo ở công trình
* Khoảng 20g40 ngày 18-2-2012, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiển
(44 tuổi) vào khu vực công trường (không có rào chắn) đi vệ sinh thì lọt
xuống hố ga chết. Đây là công trường cải tạo mặt đường bờ bắc và bờ nam
kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (P.7, Q.3, TP.HCM). Chỉ huy trưởng công
trường cho biết khu vực xảy ra tai nạn có hai công trình thi công song
song. Trong đó công trình có hố ga bị mất nắp thuộc Ban quản lý dự án vệ
sinh môi trường TP thi công và quản lý.
* Chiều 22-2-2012, bé Nguyễn Viết Bằng (6 tuổi, huyện
Triệu Phong, Quảng Trị) trong lúc đi tìm anh trai ở khu vực công trình
thuộc dự án Khu kinh tế Bắc Thành Cổ thì bị trượt chân rơi xuống hố nước
sâu khoảng 2m chết đuối.
* Sáng 10-6-2012, một người buôn ve chai đã phát hiện
thi thể người đàn ông tại hố ga ở lô 56, đường Bạch Thái Bưởi (Q.Liên
Chiểu, Đà Nẵng). Nạn nhân được xác định là ông T.V.Đ. (46 tuổi, trú tại
P.Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) chết trong tư thế ngồi co ro. Đây là hố ga
công trình cáp quang nằm ngay sát vỉa hè rộng và sâu gần 1m, được đào để
chôn cáp quang nhưng chưa lấp lại.
* Khoảng 17g ngày 13-7-2012, bé Trần Bảo Nguyên (1
tuổi) được một người anh em họ bế ra khu bãi cát của công trường xây
dựng quốc lộ 5 kéo dài đoạn chạy qua P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên, TP Hà Nội
xem thả diều. Cả hai ngã nhào xuống hố ga thoát nước, một bé được cứu
sống. Đến 6g sáng 14-7, thợ lặn mới phát hiện thi thể bé Nguyên mắc kẹt
dưới đường cống ngầm.
* Chiều 5-9-2012, trong lúc tắm mưa ở ao công trình
trong khu dân cư Phú Xuân (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cùng nhóm bạn, em Đỗ
Thị Thu Thảo, học sinh lớp 7, đã chết đuối. Ao nước trên có diện tích
gần 100m2, có chỗ chỉ sâu nửa mét nhưng có chỗ đến 4-5m. Người dân cho
biết lúc đầu ao được đào lên để thi công công trình nhưng đã bỏ hoang
khoảng một năm.
* Ngày 25-1-2013, tại công trường tòa nhà chung cư Học
viện Quân y của Công ty 36.68 thuộc Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng), anh
Đỗ Đại Hiệp (21 tuổi) đang trên đường đi học thi đã chết thảm vì bị một
thùng cát lớn rơi xuống đầu. Thùng cát này đang được cần cẩu đưa lên
cao và bị đứt cáp.
T.C. tổng hợp
Không điều tra là dung dưỡng tội ác
Cái chết của ba em Ý, Nhung, Thúy (xã Vĩnh Thái, TP Nha
Trang, Khánh Hòa) hết sức thương tâm nhưng không hề là cá biệt. Trước
đây đã có nhiều cái chết tương tự xảy ra do các đơn vị thi công không
cắm biển cảnh báo hay dựng rào, căng dây để đảm bảo an toàn tuyệt đối
cho công trình và con người. Để xảy ra những cái chết như thế, những
người có trách nhiệm đã có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu
quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ luật hình sự. Sự thiếu trách nhiệm
này thể hiện ở chỗ họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ
được giao.
Theo điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự, khi phát hiện có
dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, trong
phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các
biện pháp luật định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Thế
nhưng thực tế trước giờ cho thấy cơ quan điều tra lẽ ra phải tiến
hành điều tra, xem xét tính chất hành vi vụ việc, làm rõ trách
nhiệm của người gây ra những cái chết oan khuất để khởi tố vụ
án, khởi tố bị can khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì họ đã
không làm gì cả. Trong khi đó, ở phía các đơn vị thi công, cấp dưới
khoát tay, cấp trên lắc đầu, không ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm
khiến các vụ việc dễ dàng được xếp lại. Trách nhiệm dân sự không được
truy tới nơi (thường thì gia đình nạn nhân chỉ nhận được ít tiền gọi là
“hỗ trợ” từ đơn vị thi công trong khi đúng ra phải là tiền bồi thường).
Rất ít vụ kỷ luật các nhân viên liên quan và người đứng đầu. Càng không
có trách nhiệm hình sự!
Còn nhớ vào tháng 4-2011, các cơ quan pháp luật của
huyện Long Thành (Đồng Nai) đã in dấu ấn với dư luận khi mạnh tay xử lý
hình sự các đối tượng có liên quan đến cái chết của một em gái do xe va
vào cục bêtông cắm cọc tiêu công trình thi công mở rộng quốc lộ 51. Nếu
bất kỳ ai có hành vi tắc trách trong thi công công trình gây ra hậu quả
nghiêm trọng cũng đều bị truy trách nhiệm như Đồng Nai từng làm thì mới
mong sẽ không còn xảy ra những cái chết oan uổng. Ngược lại, nếu còn
tiếp tục thờ ơ không điều tra làm rõ thì có nghĩa là các cơ quan chức
năng đã thiếu trách nhiệm với người dân và gián tiếp dung dưỡng
tội ác.
Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)
(Nguồn: Báo tuoitreonline)